Chiến dịch “100 nói không với tai nạn lao động”

100 nhà máy tại khu vực phía Nam đặt mục tiêu thực hiện Chiến dịch 100 ngày không có tai nạn lao động (TNLĐ), bao gồm cả những chấn thương nhỏ và tai nạn hụt, bắt đầu từ ngày 27-9.

Chiến dịch “100 ngày không có TNLĐ” do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP. HCM (VCCI-HCM), Hội mỹ nghệ – chế biến gỗ TP HCM (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA) và Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ TP. HCM tổ chức, sẽ kéo dài tới cuối tháng 12. Ngoài ra, chiến dịch sẽ có các hoạt động tập huấn và nâng cao năng lực để giúp các nhà máy tăng cường tiêu chuẩn an toàn để tiếp tục duy trì nói không với TNLĐ ngay cả sau khi chiến dịch kết thúc.

Một trong những nguyên tắc nền tảng trong Hiến chương của ILO được thông qua năm 1919 là người lao động phải được bảo vệ để không bị đau ốm, bênh tật, thương tật do hệ lụy của công việc. Ngoài những thương tổn mà người lao động, những nạn nhân của TNLĐ và gia đình của họ phải chịu đựng, tổn thất kinh tế đi kèm cũng rất lớn đối với doanh nghiệp, quốc gia và cả thế giới. Tổn thất liên quan đến đền bù, mất số ngày làm việc, sản xuất bị gián đoạn, đào tạo và chuyển đổi, cũng như chi phí y tế, tương đương với 3,93% GDP toàn cầu mỗi năm.

Chiến dịch “100 ngày nói không với TNLĐ” là một hoạt động trong khuôn khổ dự án Phát triển Doanh nghiệp Bền vững (SCORE) của ILO do Cục Kinh tế Liên bang Thụy Sỹ (SECO) và Cơ quan Hợp tác Phát triển Na Uy (NORAD) tài trợ.

Một số hình ảnh tại buổi lễ ký kết:

Theo Người lao động