CHỨNG KHOÁN MỸ SỤT ĐIỂM VÌ SỐ LIỆU LẠM PHÁT NÓNG, GIÁ DẦU TĂNG MẠNH DO TRIỂN VỌNG THIẾU CUNG

Sự dai dẳng của lạm phát đặt ra khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, gây áp lực giảm lên giá cổ phiếu…

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (14/3), sau khi nhà chức trách công bố thêm một báo cáo lạm phát nóng hơn dự báo. Giá dầu thô tăng khá mạnh lên mức cao nhất trong 4 tháng sau khi có dự báo mới cho rằng nguồn cung dầu toàn cầu năm nay sẽ thắt chặt hơn so với dự kiến ban đầu.

Lúc đóng cửa,  Dow Jones giảm 137,65 điểm, tương đương giảm 0,35%, còn 38.905,66 điểm. Phiên giảm này khiến chỉ số blue-chip với 30 cổ phiếu thành phiên chấm dứt chuỗi 3 phiên tăng liên tiếp trước đó.

Chỉ số Nasdaq giảm 0,3%, còn 16.128,53 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 0,29%, còn 5.150,48 điểm.

Giá cổ phiếu đương đầu áp lực giảm từ lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng sau khi Bộ Lao động Mỹ công bố thêm một báo cáo cho thấy lạm phát ở nước này không giảm nhanh như kỳ vọng.

Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) tháng 2 – một thước đo về lạm phát của hàng hoá và dịch vụ bán buôn – tăng 0,6% so với tháng trước, lớn gấp đôi so với mức dự báo tăng 0,3% mà các nhà kinh tế học đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones. PPI lõi tăng 0,3%, cũng cao hơn mức dự báo là tăng 0,2%.

Sự dai dẳng của lạm phát đặt ra khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ lãi suất cao hơn lâu hơn. Kỳ vọng này phản ánh qua việc lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Môi trường lãi suất cao không có lợi cho giá cổ phiếu và cả những tài sản khác như vàng, dầu thô… Trước báo cáo PPI, báo cáo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mà Bộ Lao động Mỹ công bố vào hôm thứ Ba tuần này cũng cho thấy lạm phát giảm chậm hơn kỳ vọng.

Dù giới đầu tư ở Phố Wall vẫn đang đặt cược nghiêng về khả năng Fed bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 6, họ cho rằng ngân hàng trung ương này khó có thể giảm lãi suất nhanh và mạnh vì rủi ro lạm phát “bốc đầu” trở lại.

“Vấn đề đặt ra bây giờ là liệu nhà đầu tư có nghĩ lại về thời điểm mà Fed bắt đầu giảm lãi suất. Và sự thay đổi kỳ vọng đó có khiến xu hướng tăng của thị trường thay đổi nhiều hay không”, giám đốc phụ trách giao dịch và đầu tư tại công ty E-Trade, ông Chris Larkin, nhận định với hãng tin CNBC.

Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng khoảng 10 điểm cơ bản, lên mức 4,29%. Cổ phiếu công nghệ là nhóm chịu áp lực giảm mạnh nhất từ việc lợi suất tăng. Cổ phiếu hãng sản xuất con chip Nvidia có phiên giảm thứ tư trong vòng 5 phiên trở lại đây, ghi nhận mức giảm hơn 3%.

“Tôi cho rằng câu hỏi bây giờ là liệu lợi suất có tăng thêm hay không, và nếu có, liệu thị trường có giảm thêm hay không? Tôi nghĩ câu trả lời cho cả hai câu hỏi này là có”, chiến lược gia trưởng Thierry Wizman của công ty Macquarie nhận định.

Báo cáo PPI là điểm dữ liệu kinh tế quan trọng cuối cùng được công bố trước khi Fed tiến hành cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ tiếp theo, dự kiến vào ngày 19-20/3.

“Mối băn khoăn về chính sách tiền tệ đã thay đổi. Đầu năm nay, thị trường cho rằng Fed sẽ giảm lãi suất 6-8 lần trong cả năm. Bây giờ, thị trường tin Fed sẽ chỉ giảm lãi suất được 3 lần trong năm nay. Số liệu lạm phát vẫn còn nóng nhưng số liệu việc làm đã có vẻ yếu đi. Sự xung đột dữ liệu này cho thấy việc dễ nhất để nhà đầu tư làm bây giờ là không làm gì nhiều”, Chủ tịch JJ Kinahan của công ty TastyTrade nhận định với hãng tin Reuters.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch hiện đặt cược khả năng 59,9% Fed bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 6. Cách đây 1 tuần, mức đặt cược là 81,7%.

Giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,39 USD/thùng, tương đương tăng 1,7%, chốt ở mức 85,42 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,54 USD/thùng, tương đương tăng 1,9%, chốt ở mức 81,26 USD/thùng.

Đây là mức giá đóng cửa cao nhất của cả hai loại dầu kể từ đầu tháng 11 năm ngoái. Trước phiên tăng này, giá dầu Brent và WTI đều tăng gần 3% trong phiên giao dịch ngày thứ Tư.

Trong báo cáo cập nhật hàng tháng về tình hình và triển vọng thị trường năng lượng toàn cầu, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nâng triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm nay. Đây là lần thứ tư liên tiếp kể từ tháng 11 IEA tăng dự báo nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới trong năm 2024, nhưng đi kèm cảnh báo rằng “sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu có thể gây trở ngại cho nhu cầu dầu”.

IEA dự báo nhu cầu dầu toàn cầu tăng 1,3 triệu thùng/ngày trong năm nay, tăng thêm 110.000 thùng/ngày so với mức dự báo đưa ra vào tháng trước. Tuy nhiên, mức tăng trưởng dự báo này vẫn thấp hơn so với mức tăng 2,3 triệu thùng/ngày ghi nhận trong năm 2023.

Cùng với đó, IEA hạ dự báo về nguồn cung dầu năm nay, cho rằng nguồn cung dầu của thế giới chỉ tăng 800.000 thùng/ngày, đạt 102,9 triệu thùng/ngày.

Diễn biến giá dầu thô Brent giao sau tại London trong 1 năm qua. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading Economics.
Diễn biến giá dầu thô Brent giao sau tại London trong 1 năm qua. Đơn vị: USD/thùng – Nguồn: Trading Economics.

“Nhu cầu tiêu thụ dầu vẫn cao, trong khi nguồn cung thắt chặt hơn. Biên lợi nhuận của việc lọc dầu cũng đang rất cao, là một yếu tố tích cực thúc đẩy nhu cầu dầu thô”, Phó chủ tịch Dennis Kissler của công ty BOK Financial nhận xét.

Giá dầu cũng được hỗ trợ bởi leo thang căng thẳng trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine, khi phía Ukraine gần đây liên tục sử dụng thiết bị bay không người lái để tấn công vào các nhà máy lọc dầu lớn của Nga. Bộ Năng lượng Nga cho biết xuất khẩu xăng dầu qua đường biển của nước này trong tháng 2 đã giảm 1,5% so với tháng trước do ảnh hưởng của các cuộc tấn công này.

Theo ông Kissler, thiệt hại do các cuộc tấn công nói trên gây ra đối với các nhà máy lọc dầu của Nga có thể khiến sản lượng xăng của nước này giảm hơn 10%.

Nguồn: vneconomy.vn, tác giả: Bình Minh