Cần xem lại các gói hỗ trợ doanh nghiệp

TTO – Sau ý kiến của ông Đặng Hồng Anh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Việt Nam, nhiều ý kiến cũng cho rằng tình hình đã khác xa trước, nên xem lại các gói hỗ trợ đã công bố.

 © A.HỒNG – N.BÌNH Doanh nghiệp và người dân mong chờ chính sách mạnh mẽ từ Chính phủ để vượt qua COVID-19. Trong ảnh: chuẩn bị xuất khẩu lô hàng lớn tại một doanh nghiệp FDI phía Nam – Ảnh: D.S.

Cuối tuần qua, Cục Thuế TP.HCM có đề nghị khá lạ với UBND TP, đó là TP kiến nghị bộ trưởng Bộ Y tế công bố dịch bệnh trên địa bàn TP.HCM để doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh đủ điều kiện hưởng hỗ trợ thuế.

Chi cục thuế cũng vướng

Lý do, các chính sách hỗ trợ giãn, miễn tiền chậm nộp mà Tổng cục Thuế đưa ra tại công văn 897 chỉ có thể áp dụng với điều kiện vùng có dịch.

Còn TP.HCM dù có nhiều ca dương tính với COVID-19 nhưng chưa được công bố dịch bệnh nên doanh nghiệp, hộ cá nhân kinh doanh không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ.

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ, du lịch tại TP.HCM cho biết: rất khó khăn khi làm hồ sơ. Để được gia hạn nộp thuế phải nằm trong khu vực bị tuyên bố có dịch hay “bị thiệt hại vật chất gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh do gặp thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ”.

Doanh nghiệp còn phải có biên bản kiểm kê, đánh giá giá trị vật chất bị thiệt hại, phải có xác nhận của chính quyền địa phương.

“Chúng tôi bị sụt giảm, thậm chí không có doanh thu. Nhưng đây có được coi là bị thiệt hại vật chất hay không? Chưa kể khi chúng tôi xin xác nhận nhưng chính quyền địa phương không biết căn cứ vào đâu để xác nhận”, đại diện doanh nghiệp này nói và cho hay cơ quan thuế đã miễn cưỡng nhận đơn nhưng khuyên… chờ nghị định. Trong khi đó, doanh nghiệp đã chịu thiệt hại 2 tháng qua.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số chi cục thuế cũng xác nhận thực tế trên. Các chi cục thuế này cho biết ngày 27-3, Tổng cục Thuế có công văn 1307 cho biết Bộ Tài chính đã trình Chính phủ nghị định gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất và cho biết nghị định này sẽ sớm được Chính phủ ký ban hành và sẽ có hiệu lực kể từ ngày ký nên đến nay cơ quan thuế vẫn… chờ.

Ông Nguyễn Văn Thức, phó tổng giám đốc Công ty kiểm toán Đông Nam Á, cho rằng doanh nghiệp có cảm giác là hướng dẫn hỗ trợ cho có, chứ doanh nghiệp khó với tới. Nhất là điều khoản yêu cầu chính quyền địa phương xác nhận thiệt hại.

Cân nhắc giảm thuế chứ không chỉ giãn

Ông Trần Thế Dũng, phó tổng giám đốc Công ty du lịch Thế hệ trẻ, cho biết Nhà nước đã phát tín hiệu những gói hỗ trợ doanh nghiệp vượt dịch COVID-19 nhưng việc triển khai có vẻ vẫn là chặng đường dài trong khi nhu cầu doanh nghiệp lại rất gấp.

Nhiều doanh nghiệp nói đã nhận được thông báo của cơ quan thuế về việc gia hạn nộp thuế thêm 5 tháng, nhưng cái doanh nghiệp cần hơn là được giảm thuế để có thể dùng phần tiền đó duy trì hoạt động của công ty.

Theo ông Dương Hồng Phúc, phó giám đốc Công ty Kim Travel, nhìn vào cách hướng dẫn gia hạn, miễn tiền nộp chậm thuế của cơ quan thu, doanh nghiệp tự hiểu gần như không nhiều hi vọng sẽ tiếp cận được chính sách hỗ trợ.

“Cơ quan thuế có thể chia ngành nghề, lĩnh vực bằng bảng khảo sát kê khai mức độ thiệt hại của dịch chia thành từng lĩnh vực. Doanh nghiệp năm ngoái đóng thuế 100 triệu đồng, năm nay doanh thu sụt giảm 80% thì giảm mức đóng thuế tương ứng, việc gia hạn cũng chỉ cần nói rõ 6 tháng hay một năm, hay sau dịch bao lâu. Đừng bắt doanh nghiệp thêm thủ tục giấy tờ nào lúc này nữa”, ông Phúc đề xuất và nhấn mạnh “gói hỗ trợ không được để lâu, chính sách và tiền hỗ trợ cần được đến với doanh nghiệp kịp thời, tránh tâm lý xin – cho”.

Ông Đặng Mạnh Phước, CEO Outbox Consulting, cũng cho rằng các thiệt hại do dịch bệnh gây ra đặc thù hoàn toàn khác với thiệt hại do thiên tai trong thời điểm bình thường nên không thể áp dụng quy trình cứng nhắc và chỉ nên xác định nhóm đối tượng được hưởng, triển khai theo hình thức hậu kiểm.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, được đối tác nội dung của chúng tôi cung cấp và không thể hiện quan điểm của Microsoft News (MSN) hay Microsoft.