Việt Nam có thể phát huy lợi thế trong chuỗi giá trị châu Âu – Việt Nam

Trao đổi với báo chí, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) chính là chuỗi giá trị châu Âu – Việt Nam. Việt Nam có thể phát huy lợi thế trong chuỗi giá trị này.

Cải cách thể chế là điều cốt lõi quyết định nhất để DN thành công trên con đường hướng tới cạnh tranh trên thị trường châu Âu. Ảnh: Nguyệt Anh

PV: Thưa ông, dự kiến vào ngày 8/6 tới, Quốc hội sẽ phê chuẩn Hiệp định EVFTA. Ông đánh giá như thế nào về những cơ hội mà Việt Nam nói chung và cộng đồng doanh nghiệp (DN) nói riêng sẽ được hưởng sau khi hiệp định được phê chuẩn?

Ông Vũ Tiến Lộc: Khi chúng ta ký kết, phê chuẩn và triển khai Hiệp định EVFTA, chúng ta có điều kiện để tiếp cận một trong những thị trường hàng đầu trên thế giới với trên 450 triệu dân. Đây là nền kinh tế giàu có với nhu cầu đa dạng, chất lượng cao nên sẽ là cơ hội để Việt Nam mở cửa thị trường. Chúng ta có điều kiện để khơi thông dòng chảy về vốn đầu tư có chất lượng cao từ châu Âu. Như chúng ta đã biết, châu Âu là khởi nguồn của rất nhiều chuỗi giá trị toàn cầu có chất lượng hàng đầu. Khi làm ăn với châu Âu, không chỉ dòng đầu tư từ châu Âu mà dòng đầu tư từ các quốc gia khác sẽ đổ bộ vào Việt Nam. Cho nên khơi thông dòng đầu tư lớn, có giá trị cao là cơ hội cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, tham gia vào mảng kinh doanh của thị trường châu Âu là cơ hội để chúng ta nâng tầm hoạt động kinh doanh. Bởi vì làm ăn, kinh doanh với châu Âu trong điều kiện các hiệp định thương mại tự do đòi hỏi sự tuân thủ chuẩn mực rất cao về trách nhiệm xã hội, quan hệ lao động, môi trường. Khi phải tuân thủ điều kiện đó, DN Việt sẽ nâng tầm.

Cuối cùng là tác động về thể chế. Có thể nói để thực hiện có hiệu quả hiệp định thương mại tự do, để tuân thủ các quy tắc trong hiệp định, chúng ta buộc phải có sự thay đổi về thể chế, về pháp luật, tạo chuẩn mực cao nhất. Đó chính là sự tích hợp những lợi ích mà chúng ta có được trong quá trình thực thi EVFTA.


Ông Vũ Tiến Lộc

PV: Bên cạnh những cơ hội như ông vừa nói, EVFTA cũng tạo ra sức ép cạnh tranh không nhỏ cho nền kinh tế, cho DN và hàng hóa, dịch vụ của nước ta. Ông có thể phân tích rõ hơn về điều này?

Ông Vũ Tiến Lộc: Gia nhập thị trường châu Âu, không chỉ có cơ hội mà còn có rất nhiều thách thức. Đó là các DN phải đảm bảo yêu cầu về xuất xứ. DN không thể nhập nguyên liệu từ Trung Quốc về rồi sản xuất hàng hóa, xuất khẩu bán sang châu Âu được, mà đòi hỏi chúng ta phải có nguyên liệu, có vật tư từ trong nền kinh tế Việt Nam hoặc là từ châu Âu. Đó là thách thức rất lớn, nhưng cũng là áp lực tạo ra cơ hội phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Khi chúng ta mở cửa thị trường, chúng ta phải chấp nhận cạnh tranh từ những DN hàng đầu trên giới. Để có thể cạnh tranh được, chúng ta phải nâng cao năng lực của chính mình. Đối với thể chế, phải có được những thay đổi trong quan hệ lao động, tiêu chuẩn môi trường. Đây là áp lực, thách thức nhưng đồng thời cũng là những cơ hội để chúng ta vươn lên.

So với các hiệp định khác, các nền kinh tế trong EVFTA có tính bổ trợ, tương tác với nhau rất rõ. Phần lớn các mặt hàng châu Âu đều không cạnh tranh trực tiếp với mặt hàng của nước ta, chính vì vậy, trong quá trình cung ứng trên thị trường, hai bên có thể cộng sinh, hưởng lợi. Ví dụ hoa quả nhiệt đới ở nước ta nhưng ở châu Âu không có, mặt hàng này không cạnh tranh trực diện với các mặt hàng của châu Âu.

Có thể nói hiệp định này chính là chuỗi giá trị châu Âu – Việt Nam. Việt Nam có thể phát huy lợi thế trong chuỗi giá trị này.

PV: Là đại diện cho cộng đồng DN, VCCI có lưu ý như thế nào để DN tận dụng nhiều nhất những cơ hội mà EVFTA đem lại, thưa ông?

Ông Vũ Tiến Lộc: Đối với Nhà nước, cần có cải thiện nhanh chóng về thể chế. Khi chúng ta ký kết Hiệp định EVFTA, có nghĩa là chúng ta đã “khai trương con đường cao tốc” để đến với châu Âu. Nhưng muốn DN Việt có thể thành công trên con đường cao tốc này, phải có đường gom lối mở, con đường thể chế nội bộ phải được tăng tốc thì đoàn xe DN Việt Nam mới có tốc độ cao để tiến tới thị trường châu Âu. Do đó, sự cải cách thể chế trong nước, cải cách các thủ tục, điều kiện kinh doanh trong nước là điều cốt lõi quyết định nhất để DN thành công trên con đường hướng tới cạnh tranh trên thị trường châu Âu.

Những nỗ lực này cần được triển khai sớm. Hệ thống pháp luật Việt Nam không chỉ thay đổi để đảm bảo tuân thủ cam kết, mà còn phải vượt lên trên cam kết để mở ra cơ hội, dư địa cho việc thúc đẩy, phát triển cộng đồng DN Việt.

Trong cuộc cạnh tranh này, nếu người dân bình thường không được hưởng lợi, nếu các DN vừa và nhỏ không được hưởng lợi thì chúng ta chưa thành công. Làm thế nào để lợi ích hội nhập được chia sẻ, làm thế nào để người dân và các DN vừa và nhỏ có thể tham gia vào chuỗi giá trị được thiết lập, đó chính là nhiệm vụ của thể chế. Ví dụ như chúng ta có thể phát triển mạnh mẽ công nghiệp hỗ trợ, DN vừa và nhỏ có thể tham gia công nghiệp hỗ trợ cho dây chuyền sản xuất hiện đại được thiết lập với Liên minh châu Âu. Điều này đặt ra cho Chính phủ khối công việc đồ sộ để có thể đổi mới thể chế, tuân thủ cam kết, vượt lên cam kết, hỗ trợ thúc đẩy cho cộng đồng DN, đặc biệt là cộng đồng DN vừa và nhỏ.

Đối với cộng đồng DN, phải lập tức tìm hiểu nghiên cứu kỹ lưỡng về những quy định của hiệp định liên quan trực tiếp đến ngành nghề của mình. Để làm được điều này, cần sự chung tay của các cơ quan nhà nước, của hiệp hội DN để hỗ trợ cho DN. Trên cơ sở đó phải định hình lại mình trong bối cảnh của hiệp định, phải thay đổi quản trị, công nghệ đáp ứng tiêu chuẩn châu Âu, tìm được nguồn nguyên liệu đáp ứng yêu cầu của hiệp định, tìm được đối tác phù hợp bên châu Âu. DN phải nỗ lực toàn diện để nâng cao năng lực cạnh tranh. Đó là yếu tố quyết định thắng lợi trong hội nhập với thị trường châu Âu.

PV: Xin cảm ơn ông!
Theo Bùi Tư(Thời báo tài chính)