Sở Y tế Hà Nội đã và đang triển khai đồng bộ nhiều cách làm “dù nhỏ nhưng thiết thực” để thay thế túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần.
Từ những hành động nhỏ…
Theo số liệu thống kê của Sở Y tế Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2019 phát sinh tổng số 4.924.506kg chất thải; trong đó, chất thải thông thường là 4.359.265 kg, chất thải lây nhiễm 533.540 kg, chất thải tái chế 35.831 kg. Có khoảng 5% trong số chất thải y tế là chất thải nhựa, chất thải nguy hại không lây nhiễm; đa số là túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần.
Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, ông Vũ Cao Cường, Trưởng phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế Hà Nội cho hay, sản phẩm nhựa dùng một lần trong y tế đã góp phần phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm, đảm bảo chất lượng chuyên môn y tế; đặc biệt, những công việc đòi hỏi nghiêm ngặt về vô trùng, an toàn, an ninh sinh học. Mặc dù vậy, nhiều vật liệu bao gói, vật dụng bằng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần có thể thay thế được bằng các vật liệu an toàn và thân thiện với môi trường hơn.
Theo ông Vũ Cao Cường, đến nay, tại Sở Y tế Hà Nội không còn sử dụng nước uống đóng chai nhựa (loại có thể tích 350ml – 500ml) trong công sở và khi tổ chức các cuộc họp, hội nghị, hội thảo… mà chuyển sang sử dụng bình nước thể tích lớn (hơn 20 lít); không sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa và giảm thiểu tối đa việc sử dụng túi ni lông khó phân hủy trong các hoạt động mua sắm, vận chuyển tại cơ quan, nơi làm việc.
Cùng với đó, các cơ sở trên địa bàn thành phố cũng từng bước hạn chế sử dụng túi, chai, cốc, bát, đĩa, ống hút và các vật dụng khác làm từ nhựa dùng một lần hoặc ni lông khó phân hủy. Đặc biệt, ở một số bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn đã bước đầu thực hiện thay mũ chùm đầu, bọc giấy bằng chất liệu dễ phân hủy thay vì túi ni lông; cốc uống nước miễn phí tại khoa khám bệnh bằng giấy thay cho cốc nhựa…
“Tuy vậy, việc tiếp cận với sản phẩm thân thiện môi trường thay thế cho sản phẩm nhựa cũng còn khó khăn trong thời điểm hiện nay. Bởi lẽ, những sản phẩm này về chủng loại, mặt hàng, số lượng, giá thành, khả năng cung ứng tại các địa phương chưa phong phú” – ông Vũ Cao Cường cho biết thêm.
Các cơ sở y tế phải xây dựng lộ trình giảm thiểu rác thải nhựa Ảnh: MH
… đến thay đổi thói quen lớn
Để Phong trào “Chống rác thải nhựa” thực sự chất lượng và đi vào chiều sâu, theo ông Vũ Cao Cường, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các cơ sở y tế phải xây dựng kế hoạch, mục tiêu, lộ trình giảm thiểu chất thải nhựa; thực hiện phân loại triệt để chất thải nhựa, ni lông khó phân hủy để thu gom, tái chế đúng quy định. Các đơn vị y tế tăng cường tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi thói quen sử dụng túi ni lông khó phân hủy, sản phẩm nhựa một lần…
Đặc biệt, các khoa, phòng trong các đơn vị, cơ sở y tế thực hiện S1 sàng lọc để loại bỏ những thứ bằng nhựa không cần thiết ra khỏi nơi làm việc. Đưa tiêu chí chống rác thải nhựa, khuyến khích sử dụng vật dụng cá nhân với chất liệu thân thiện môi trường vào tiêu chí kiểm tra 5S hàng tuần.
Ngoài ra, các bệnh viện phải thường xuyên truyền thông hướng dẫn “Chống rác thải nhựa” thông qua các kênh truyền thông của bệnh viện; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện kế hoạch từ khâu mua sắm vật tư tiêu hao, hóa chất cũng như vật dụng sinh hoạt của từng tập thể, cá nhân đơn vị.
Thuý Hằng – Tuyết Chinh