Trong bối cảnh chung thương mại thế giới hiện vẫn còn nhiều biến động, Hiệp định EVFTA được coi là điểm sáng trong lộ trình phục hồi kinh tế Việt Nam.
Mặt khác, nhiều sự kiện đồng loạt như Việt Nam nổi lên là một trong những quốc gia thành công trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN và đồng thời là thành viên trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) càng góp phần khẳng định vị thế “đất nước hình chữ S” trong cộng đồng quốc tế.
Với bức tranh tổng thể như vậy, một câu hỏi được đặt ra là làm sao hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam có thể chuyển mình và nắm bắt cơ hội từ Hiệp định thương mại tự do kiểu mới EVFTA.
Phóng viên VOH có phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Nam – Phó Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM để đi tìm câu trả lời cho bài toán hỗ trợ doanh nghiệp trong sân chơi EVFTA.
*VOH: EVFTA là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam, tuy vậy thực tế theo ông nhận định cơ hội thật sự sẽ thực sự dành cho các doanh nghiệp nào? Doanh nghiệp cần chuẩn bị gì hay làm gì để nắm bắt cơ hội này?
Ông Nguyễn Hữu Nam: Hiệp định này sẽ tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp nào thì câu trả lời là tất cả các doanh nghiệp đều có thể có tận dụng cơ hội của mình. Tuy nhiên, mỗi lĩnh vực nó sẽ có đặc thù riêng và chúng ta thấy rằng trước mắt cơ hội dành cho các ngành như chế biến gỗ, giày da, ngành hàng nông sản, thủy sản.
Như chúng ta đã biết dệt may Việt Nam là một nước có thế mạnh. Tuy nhiên, cơ hội cho các doanh nghiệp dệt may rất hạn chế. Trong qui định của Hiệp định, dệt may người ta yêu cầu khắt khe về nguồn cung nguyên liệu. Chúng ta đã biết hiện nay Việt Nam nguồn cung nguyên liệu về dệt may lệ thuộc vào phần lớn Trung Quốc. Do vậy, chúng ta nhập khẩu vải từ Trung Quốc về thì khả năng, cơ hội cho các doanh nghiệp này là hạn chế.
Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó Giám đốc Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại TP.HCM
*VOH: Để hưởng các ưu đãi về thuế suất của EU thì đòi hỏi các sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng nhiều tiêu chí về chất lượng lẫn nguồn gốc xuất xứ, nhưng làm được điều này thì không đơn giản. Nhiều ngành sản xuất ở nước ta hiện nay còn chưa ổn định về nguồn cung nguyên vật liệu lẫn quản trị chất lượng sản phẩm. Ông nhận định ra sao về vấn đề này?
Ông Nguyễn Hữu Nam: Hiệp định này có tiêu chuẩn rất cao và khắt khe. Về tiêu chuẩn của sản phẩm thì mỗi một doanh nghiệp sẽ đưa ra quyết định cho sản phẩm của mình còn có đáp ứng các kỳ vọng, nhu cầu tiêu dùng của Châu Âu là vấn đề khác. Trước hết, chúng ta muốn thâm nhập vào thị trường liên minh Châu Âu mà được hưởng ưu đãi ngay khi Hiệp định có hiệu lực, hàng hóa của chúng ta phải đáp ứng các qui tắc về xuất xứ. Yêu cầu khắt khe về các mặt hàng này không cao do vậy mà các mặt hàng chế biến gỗ, hoặc giày da, nông sản thủy sản thì đều có thể tận dụng cơ hội từ Hiệp định này rất lớn.
Nhưng, dệt may lại là vấn đề khác. Lí do, qui tắc xuất xứ người ta yêu cầu đó là vải mà để sản xuất ra quần áo để chúng ta xuất khẩu hưởng ưu đãi thì vải đó phải được dệt từ Việt Nam, từ sợi. Nếu chúng ta nhập vải về thì hàng hóa chúng ta không đáp ứng đúng quy định. Tôi nghĩ rằng đây là tiêu chuẩn khó nhất với tất cả doanh nghiệp.
Thứ hai nữa, trong WTO có hiệp định về SPS – Hiệp định về Vệ Sinh An Toàn Thực Phẩm và Kiểm Dịch Động Thực Vật, hiệp định TBT có nghĩa là hàng rào kỹ thuật trong thương mại. Hai hiệp định này có thể đi song song cùng với các quy tắc xuất xứ. Đây là rào cản thương mại cũng rất lớn sau này. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cần phải nắm rõ, hiểu đúng cũng như tuân thủ các quy định. Trước hết các doanh nghiệp phải đầu tư để làm sao hiểu các quy định này thì mới có thể tận dụng các cơ hội được.
*VOH: Với sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao thì các doanh nghiệp, tập đoàn lớn phải chấp nhận vừa tham gia cuộc chơi EVFTA vừa đào tạo cuốn chiếu, nâng cấp đội ngũ nhân lực hiện có. Như vậy trong vấn đề này, Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI có tư vấn hay có sự hỗ trợ nào cho các doanh nghiệp hay không?
Ông Nguyễn Hữu Nam: Đối với nguồn thiếu hụt nhân lực thì tôi có suy nghĩ ngược lại. Đó là nguồn nhân lực chúng ta có thể hoàn toàn đáp ứng kì vọng cũng như đủ tham gia cuộc chơi này.
Tuy nhiên, có một vấn đề đang gặp phải là các doanh nghiệp khi bị vướng lúc đó mới tìm hiểu. Nó sẽ khó khăn cho doanh nghiệp vì tất cả kế hoạch sản xuất, nguồn nguyên liệu đầu vào, chúng ta đã thực hiện xong hết. Như vậy, khi hàng hóa xuất khẩu có một quy định không đáp ứng thì chúng ta lại không thể thay đổi được bởi vì hàng hóa có thể đã gửi đi rồi.
Các doanh nghiệp phải nắm bắt các quy định trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu cũng như các hiệp định về SPS, hiệp định TBT. Nhưng mỗi doanh nghiệp sẽ hoạt động trong lĩnh vực cụ thể, cho nên là nội dung các doanh nghiệp phải nhất thiết phải đọc toàn bộ lời văn của Hiệp định. Chúng ta chỉ tập trung vào những hàng hóa nào mà chúng ta xuất khẩu. Tôi nghĩ rằng hoàn toàn các doanh nghiệp có đủ khả năng để tiếp cận từng lĩnh vực.
Các doanh nghiệp khi đã nắm rõ, hiểu các qui định thì hoàn toàn có thể chủ động được các nguồn cung nguyên liệu để tạo ra sản phẩm xuất khẩu, tránh được những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra với lô hàng của mình. Chúng ta có thể tự tin rằng, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể tận dụng được cơ hội giữ Hiệp định giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu, cụ thể là EVFTA trong thời gian tới.
*VOH: Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh từng nói sẽ phải hành động rất nhiều để giúp doanh nghiệp tiếp cận hiệu quả các chính sách từ EVFTA. Đơn vị mình có những hoạt động ra sao cho các doanh nghiệp nắm bắt đầy đủ hơn các nội dung của Hiệp định EVFTA, đặc biệt là các doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh?
Ông Nguyễn Hữu Nam: Trước hết, đối với các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh thì mình có thể tiếp cận đến các thông tin, bình luận trên các trang website trong trung tâm WTO của VCCI. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp ở Thành phố Hồ Chí Minh là những doanh nghiệp trong suốt thời gian vừa qua không chỉ là Hiệp định EVFTA mà các Hiệp định trước đó.
Ví dụ như Hiệp định CPTPP chẳng hạn, mà tiền thân là hiệp định TPP, thì chúng tôi cũng đã nghiên cứu rất kỹ và nắm rõ các điều khoản trong các Hiệp định, từng điều khoản một.
Trong trường hợp các doanh nghiệp đến tham vấn chúng tôi, chúng tôi đều có các lời giải cho các doanh nghiệp để làm sao có thể hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật hoặc các quy định về công tác xuất xứ, để có thể được hưởng theo ưu đãi của Hiệp định cho các doanh nghiệp. Bên cạnh những tư vấn trực tiếp thì chúng tôi cũng có các chương trình phổ biến pháp luật về các Hiệp định.
Chẳng hạn như Hiệp định EVFTA, chúng tôi đã tổ chức khóa đào tạo và có đến 235 doanh nghiệp đã đăng ký tham dự hội thảo này. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp có thể nắm rõ các quy định. Tuy nhiên, ở các hội thảo lớn thì sẽ tập trung và dàn trải tất cả các ngành hàng do vậy nó có thể không cô đọng đối với mỗi doanh nghiệp, nhưng sẽ là “chìa khóa” để chúng ta mở ra những “ngăn kéo” của các Hiệp định sau đó.
Nguồn: VOH