(TBTCO) – Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho các DN có không quá 50 tỷ đồng doanh thu và 100 lao động.
UBTC
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra.
Chiều 1/6, UBTVQH đã cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ.
Giảm thu ngân sách gần 16.000 tỷ đồng
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, để kịp thời có chính sách, giải pháp hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ vượt qua khó khăn, thách thức do tác động của dịch bệnh Covid-19 và áp dụng ngay trong năm 2020, Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN nhỏ và siêu nhỏ.
Theo đó, Chính phủ trình Quốc hội giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN nhỏ và siêu nhỏ. Việc đề xuất giảm thuế đối với DN nhỏ và siêu nhỏ như trên nhằm đảm bảo phát huy hiệu quả của chính sách hỗ trợ, tránh tình trạng ưu đãi dàn trải. Thực tế là tính cả số lượng DN có quy mô vừa thì nhóm DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa chiếm tới trên 97% tổng số DN tại Việt Nam. Nếu việc áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho DN vừa thì gần như toàn bộ DN tại Việt Nam đều được hưởng ưu đãi và không mang nhiều ý nghĩa nhằm ưu tiên phát triển, đồng thời có thể dẫn đến sự cạnh tranh không bình đẳng.
Về tiêu chí DN, để đảm bảo đúng mục tiêu, đúng đối tượng cần hỗ trợ, phù hợp với quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa và thực tế áp dụng chính sách hỗ trợ đối với nhóm DN quy mô nhỏ thời gian qua, Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bình quân năm 2020 không quá 10 người (thuộc nhóm DN siêu nhỏ); DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia BHXH bình quân năm 2020 không quá 100 người (thuộc nhóm DN nhỏ).
Đề xuất áp dụng các chính sách ưu đãi đối với DN nhỏ và siêu nhỏ cũng dựa trên tính toán về khả năng, điều kiện ngân sách nhà nước (NSNN) trong bối cảnh hiện nay. Việc thực hiện giải pháp này sẽ giảm thu NSNN của năm 2020 khoảng 15.840 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc đề xuất giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN nhỏ, siêu nhỏ sẽ góp phần hỗ trợ các DN này vượt qua khó khăn do tác động của dịch Covid-19, tạo điều kiện cho các DN nhỏ, siêu nhỏ tích tụ vốn để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN.
Khoảng 93% DN sẽ được giảm thuế
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) nhất trí về sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế TNDN như tờ trình của Chính phủ nhằm hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các DN nhỏ và siêu nhỏ trong giai đoạn nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 và cụ thể hóa Điều 10 và Điều 16 của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa năm 2017.
Cơ bản nhất trí với đối tượng áp dụng như dự thảo nghị quyết, tuy nhiên UBTCNS cũng đề nghị Chính phủ rà soát, quy định cụ thể các đối tượng được giảm thuế phải là người nộp thuế theo quy định tại Điều 2 của Luật Thuế TNDN.
Đa số ý kiến trong UBTCNS nhất trí với tờ trình của Chính phủ về giảm số thuế phải nộp (30%) và chỉ áp dụng hai tiêu chí xác định là doanh thu, kết hợp với tiêu chí về lao động để thực hiện chính sách giảm thuế TNDN cho các đối tượng này, theo đó về cơ bản đã bao quát hết các đối tượng là DN nhỏ và siêu nhỏ.
Tuy nhiên, để đảm bảo tránh mâu thuẫn với pháp luật về hỗ trợ DN nhỏ và vừa, đảm bảo đồng bộ của hệ thống pháp luật, cơ quan thẩm tra đề nghị thay đổi tên nghị quyết theo hướng chỉ quy định về giảm thuế TNDN phải nộp năm 2020 cho một số DN. Việc thay đổi tên nghị quyết nhằm tránh trường hợp các DN đáp ứng đủ các tiêu chí là DN nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật hiện hành nhưng lại không đáp ứng các tiêu chí về doanh thu và lao động như quy định tại dự thảo nghị quyết.
Ngoài ra, để đảm bảo cân đối NSNN năm 2020, UBTCNS đề nghị Chính phủ làm rõ các phương án bù đắp nguồn hụt thu do thực hiện chính sách giảm thuế này, gắn với các chính sách đã ban hành làm giảm thu NSNN trong thời gian qua hoặc cần thiết phải trình Quốc hội điều chỉnh dự toán NSNN để bảo đảm cân đối NSNN trong năm 2020.
Thảo luận tại phiên họp, UBTVQH nhất trí với các đề nghị của Chính phủ. Các ý kiến cũng đồng tình với ý kiến của UBTCNS về việc sửa đổi tên nghị quyết, vì khái niệm DN nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật hiện hành khác với quy định tại dự thảo nghị quyết này. UBTVQH đề nghị Chính phủ hoàn thiện lại tờ trình theo hướng tiếp thu các ý kiến để trình Quốc hội xem xét thông qua ngay tại kỳ họp thứ 9. Ước tính, có tới 93% DN có đủ điều kiện được giảm thuế TNDN trong năm 2020 theo các tiêu chí tại nghị quyết./.
H.Y