Dịch nCoV phần nào cho thấy tầm quan trọng của Trung Quốc với sức mạnh tiêu dùng khổng lồ và là nhà sản xuất chủ lực thế giới.
Tác động lên nền kinh tế thế giới đang dần hiện ra, khi Trung Quốc bị cô lập và đình trệ vì dịch viêm phổi. Bất ổn vì nCoV tại nước này đã phá vỡ chuỗi cung ứng và thương mại trên toàn thế giới, làm giảm giá nhiều loại tài sản và buộc các doanh nghiệp đa quốc gia phải đưa ra quyết định khó khăn với thông tin hạn chế.
‘Hoang mang’ lan rộng
Nhân viên Starbucks kiểm tra thân nhiệt khách hàng tại Bắc Kinh. Ảnh: Reuters
Thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh khi mở cửa trở lại vào sáng thứ hai, sau thời gian nghỉ Tết kéo dài. Shanghai Composite đóng cửa giảm 7,7%, xóa sạch gần 400 tỷ USD giá trị vốn hóa. Bán lẻ, dịch vụ tiêu dùng và cổ phiếu vận tải dẫn đầu sự sụt giảm. Shenzhen Composite giảm 8.4%.
Nhưng tâm lý nặng nề không chỉ có riêng ở Trung Quốc.
“Những cuộc gọi mà tôi nhận được là: ‘Chúng tôi không biết phải làm gì. Nhân viên của chúng tôi đang hoảng loạn'”, Rachel Conn, luật sư hãng luật Nixon Peabody (San Francisco, Mỹ) nói. “Họ chưa bao giờ xử lý một tình huống như thế này”, ông nhìn nhận.
Cuối tuần trước, Apple cho biết sẽ đóng cửa tất cả cửa hàng và văn phòng công ty tại Trung Quốc cho đến ngày 9/2. Công ty có 10.000 nhân viên ở Trung Quốc và cũng đang phải đối mặt với việc ngừng hoạt động của các nhà máy sản xuất linh kiện cho các sản phẩm của họ.
Levi Strauss & Co., vào tháng 10/2019, đã mở cửa hàng lớn nhất Trung Quốc tại Vũ Hán. Họ là một trong những thương hiệu quốc tế đã đóng cửa hàng ngàn cửa hàng trên khắp đất nước, bao gồm cả McDonald và Starbucks.
Boston Consulting Group đã yêu cầu nhân viên ở Trung Quốc dành thêm một tuần làm việc tại nhà sau khi kỳ nghỉ Tết kết thúc và hoãn tất cả các chuyến đi đến Trung Quốc trong ba tuần tới. Theo ông Tammy Krings, Giám đốc điều hành ATG Travel Worldwide, các đại gia dược phẩm, các tổ chức tài chính và các công ty đa quốc gia về công nghệ đang bắt đầu sơ tán lực lượng lao động nước ngoài ở Trung Quốc. Một số quyết định tái bố trí nhân sự 3-6 tháng.
Sau đợt nghỉ Tết Nguyên đán, các nhà máy Trung Quốc đang xem xét khả năng dừng hoạt động trong nhiều tuần. Nếu đúng vậy, điều này đe dọa các kế hoạch sản xuất của Apple, Tesla và Anheuser-Busch InBev SA.
Trong khi đó, giá dầu thô đi xuống do nhu cầu của Trung Quốc giảm đang khiến Saudi Arabia, lãnh đạo của OPEC, kêu gọi các thành viên khác phải triệu tập một cuộc họp khẩn cấp. Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới.
Thành phố Vũ Hán, nơi bùng phát dịch và đang bị phong tỏa, lại là một trong những trung tâm dầu khí quan trọng của nước này. Nơi đây có hai khách hàng lớn của Saudi Arabia là China National Chemical Corp và Hengli.
Trung Quốc ‘hắt hơi’, thế giới ‘cảm lạnh’
Mức độ đóng góp của Trung Quốc với thế giới về GDP, nhập khẩu hàng hóa và chi tiêu du lịch (thứ tự biểu đồ từ trên xuống). Đồ họa: WSJ
Mức độ đóng góp của Trung Quốc với thế giới về GDP, nhập khẩu hàng hóa và chi tiêu du lịch (thứ tự biểu đồ từ trên xuống). Đồ họa: WSJ
Một thập kỷ rưỡi trước, khi dịch SARS gây chấn động thế giới, Trung Quốc chiếm một phần tương đối nhỏ trong nền kinh tế toàn cầu. Ngày nay, nước này chịu trách nhiệm cho gần một phần năm GDP thế giới, theo sức mua tương đương (PPP), hơn Mỹ 15%. Bảy trong số 10 cảng container bận rộn nhất thế giới ở Trung Quốc.
Tác động của viêm phổi Vũ Hán cũng được cho là nguyên nhân không nhỏ dẫn đến mức giảm 3,7% của Dow Jones kể từ khi nó đạt kỷ lục vào ngày 17/1, xóa sạch mức tăng của năm nay. Kinh tế thế giới có câu “Khi Mỹ hắt hơi, thế giới cảm lạnh”. Giờ thì Mỹ và cả thế giới cũng có thể “cảm lạnh” khi Trung Quốc bị dịch bệnh.
Sau khi Mỹ – Trung đạt được thỏa thuận kinh tế giai đoạn một, các nhà kinh tế lạc quan hơn về tăng trưởng của Trung Quốc và thế giới năm nay. Tuy nhiên, cơn dịch làm mọi chuyện thay đổi nhanh chóng khi hoạt động công nghiệp và chi tiêu của người tiêu dùng Trung Quốc chậm lại.
Dịch bệnh khiến các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ tạm thời giảm nhu cầu đối với hàng nhập khẩu, dù Trung Quốc đã cam kết vào tháng trước là tăng mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong 2 năm tới.
10 nhà kinh tế được khảo sát bởi Wall Street Journal đã hạ thấp kỳ vọng của họ với tăng trưởng quý đầu tiên của Trung Quốc hơn một điểm phần trăm, xuống mức trung bình 4,9%. Họ cũng cho rằng Mỹ cũng có thể bị ảnh hưởng trong quý này vì người Trung Quốc là những khách du lịch chi tiêu lớn nhất.
Chi tiêu của họ cũng cao hơn bất kỳ nhóm người nước ngoài nào khác, với khoảng 6.000 USD cho mỗi vé máy bay, khách sạn, nhà hàng và mua sắm, theo công ty nghiên cứu Tourism Economics. Công ty dự đoán khách Trung Quốc giảm 28%, khiến Mỹ hụt thu 5,8 tỷ. “Nếu bạn là một chủ khách sạn ở Los Angeles, bạn sẽ cảm nhận được điều này”, Adam Sacks, Chủ tịch Tourism Economics, nói.
Nhìn chung, Goldman Sachs cho rằng virus corona sẽ khiến tăng trưởng Mỹ giảm 0,4-0,5 điểm phần trăm, xuống còn 1,7% trong quý I/2020. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh hiện nay, không ai thực sự biết điều gì sẽ xảy ra.
Dự báo tổn thất của cuộc khủng hoảng là không thể. Năm ngoái, WHO cho biết trong một báo cáo rằng họ đã theo dõi 1.483 sự kiện dịch bệnh ở 172 quốc gia trong giai đoạn 2011-2018. Đắt nhất trong lịch sử gần đây là 40 tỷ USD năng suất bị mất do SARS năm 2003 và 55 tỷ USD trong năm 2009 vì dịch tả heo châu Phi. Cả hai đều liên quan đến Trung Quốc. Ngoài ra, còn có dịch Ebola ở Tây Phi từ 2014 đến 2016, gây thiệt hại 53 tỷ USD về kinh tế và xã hội.
Khả năng phục hồi của Trung Quốc
Hai mẹ con đến từ Hồ Bắc đang tiến về trạm kiểm soát cầu Cửu Giang, tỉnh Giang Tây, Trung Quốc. Ảnh: Reuters
Đầu tháng 1/2020, tăng trưởng của Trung Quốc năm nay nhìn chung được dự báo là chậm hơn so với năm ngoái, vào khoảng 6%. Bây giờ, các nhà kinh tế nói rằng những dự báo đó là lạc quan.
Hãng nghiên cứu Plenum tại Bắc Kinh cho rằng, tăng trưởng của Trung Quốc trong quý I/2020 chỉ 2%. Căn cứ của dự báo là chi tiêu Tết Nguyên đán năm nay giảm 40% so với Tết năm trước. Vận tải đường sắt và hàng không trong dịp này cũng giảm 40% so với cùng kỳ.
Doanh số bán lẻ hiện có thể chỉ tăng 3% đến 4% trong quý đầu tiên so với cùng kỳ năm trước, so với mức tăng trưởng 8% trong tháng 12/2019, theo chuyên gia kinh tế Iris Pang của ING.
Thất nghiệp và lạm phát có thể tăng. Hồ Bắc là một trong sáu tỉnh miền trung cung cấp một phần ba lao động di cư đến các vùng khác của đất nước. Và giờ, nhiều người không thể di chuyển. Huang Yiping, cựu cố vấn ngân hàng trung ương Trung Quốc, cảnh báo nếu chỉ 5% nhân viên của ngành dịch vụ Trung Quốc mất việc, điều đó có nghĩa là mất đi 20 triệu việc làm.
Giá tiêu dùng cao hơn sẽ làm trầm trọng thêm lạm phát thực phẩm do dịch tả heo châu Phi gây ra, theo chuyên gia Zhang Ming của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc. Đó là chưa kể, trong khi các nhà chăn nuôi ở Hồ Nam đang đau đầu vì tắc nghẽn lưu thông làm thiếu thốn thức ăn gia cầm thì H5N1 lại vừa bùng lên.
Tuy nhiên, ngay cả khi quý I/2019 có tệ hại thì theo ông Chen Long, nếu sự sợ hãi là ngắn ngủi, thì tăng trưởng cả năm vẫn có thể đạt 5,5%. Hơn nữa, dù tình hình viêm phổi Vũ Hán còn phức tạp nhưng nó chỉ mới ảnh hưởng 4,5% hoạt động kinh tế nói chung của Trung Quốc.
Goldman Sachs nói rằng sự bùng phát virus trong quá khứ thường dẫn đến những cú sốc ngắn về kinh tế, kéo dài một đến ba tháng và sẽ hồi phục sau 2-3 quý. Do vậy, tổ chức này cho biết sẽ hạ mức tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay xuống còn 5,5%, giảm so với dự báo 5,9% trước đó. Chỉ khi dịch bệnh kéo dài hơn thì mới có thể giảm xuống 5% hoặc thấp hơn.
Trong lịch sử, dịch SARS vốn gây ra tổn thất nặng nề ban đầu nhưng nền kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng 10% trong năm đó. Tuy nhiên, điểm khác là thời điểm 2003 thì nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh hơn nhiều, với ít mối quan hệ hơn với kinh tế toàn cầu. Còn ngày nay, Vũ Hán và các khu vực xung quanh là những phần quan trọng của chuỗi cung ứng toàn cầu.
Phiên An (theo Wall Street Journal)