Bộ Công Thương đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng do thuế này đang chiếm 32% cơ cấu giá bán lẻ, gây gánh nặng cho người dân.
Trong văn bản gửi Chính phủ, Bộ Công Thương đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu.
Theo cơ quan này, tỷ trọng thuế, phí trong mỗi lít xăng, dầu khi bán tới tay người tiêu dùng ở mức cao 55-60% với xăng, 35-40% với dầu. Riêng thuế bảo vệ môi trường chiếm 32% trong cơ cấu giá xăng, 20% giá dầu. Đây là một trong những nguyên nhân khiến giá bán lẻ tới tay người tiêu dùng bị đẩy lên cao.
Hiện một lít xăng phải chịu nhiều loại thuế, gồm nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng. Ngoài ra, còn có một số khoản như chi phí định mức, lợi nhuận định mức, trích Quỹ bình ổn giá.
Chẳng hạn, giá bán lẻ xăng RON95 hiện là 12.560 đồng một lít, trong đó thuế tiêu thụ đặc biệt, nhập khẩu, giá trị gia tăng khoảng 2.300 đồng; thuế bảo vệ môi trường 4.000 đồng và các loại phí khác 2.500 đồng.
Click vào ảnh để xem chi tiết đồ hoạ Giá xăng gánh thuế phí.
Đồ hoạ ‘Giá xăng gánh thuế phí như thế nào’.
Như vậy, riêng các loại thuế, phí trong mỗi lít xăng RON95 là 8.600 đồng, chiếm 68% giá bán. Tương tự, thuế, phí trong mỗi lít xăng E5 RON92 khoảng 7.700 đồng, tương đương 64%. Trong số này, riêng thuế bảo vệ môi trường với xăng E5 RON92 là 3.800 đồng một lít, RON95 là 4.000 đồng một lít.
Theo Bộ Công Thương, việc tính thuế bảo vệ môi trường với xăng sinh học E5 bằng 95% mức thuế của xăng khoáng RON92 như hiện nay là chưa phù hợp. Cơ cấu xăng E5 RON92 gồm 5% ethanol và 95% xăng RON92, nhưng Bộ Công Thương cho rằng, không nên tính thuế một cách cơ học, thay vào đó dựa trên mức độ phát thải khi sử dụng xăng E5.
Dẫn kết quả nghiên cứu, cơ quan này lập luận, xăng E5 RON92 giảm đáng kể các khí thải gây ô nhiễm ra môi trường khi sử dụng so với xăng khoáng, như giảm gần 28% khí CO, khí HC cũng giảm hơn 16,2%… “Vì vậy, cần cân nhắc đưa ra mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng E5 RON92 dựa theo mức độ phát thải (75 – 80%) thuế với xăng khoáng”, Bộ Công Thương đề nghị.
Ý kiến giảm thuế bảo vệ môi trường để tránh gánh nặng cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh cũng từng được đại diện Vietjet nêu tại cuộc họp với Thủ tướng hồi giữa tháng 3. Theo đại diện Vietjet, hiện mỗi lít xăng nhiên liệu bay chịu 3.000 đồng thuế bảo vệ môi trường, tương đương 22% chi phí xăng dầu. Khi giá xăng dầu giảm sâu, tỷ lệ này có thể chiếm tới 50% chi phí. “Đây là thuế gián thu, chiếm tỷ trọng lớn trong mỗi lít xăng, nếu giảm sẽ giúp doanh nghiệp bớt khó khăn”, vị này đề nghị.
Minh Anh