Doanh nghiệp thấm đòn Covid-19

Sau hơn 2 tháng xảy ra dịch Covid-19, đến nay các doanh nghiệp đã bắt đầu thấm đòn. Không ít doanh nghiệp có nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh còn kéo dài thêm.


Các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng, VLXD đang lao đao vì chính sách siết chặt và ảnh hưởng của dịch Covid-19

“Chưa năm nào kinh khủng như năm nay”
Tập đoàn Phú Đông dự kiến tháng 3.2020 sẽ mở bán một dự án căn hộ. Tuy nhiên, trước diễn biến của dịch, kế hoạch này đã phải thay đổi ở phút cuối. “Hiện nay Chính phủ, UBND TP.HCM đang cấm tụ tập đông người, kêu gọi người dân ở trong nhà. Trong khi đó, đặc thù của bất động sản (BĐS) là phải bán hàng tập trung đông người để tạo hiệu ứng. Nhưng với tình hình này, không ai dám ra đường chứ đừng nói đến việc đi mua BĐS. Ai cũng thủ tiền mặt, không dám đầu tư, chi tiêu nhiều vào lúc này, nhất là BĐS với đặc thù là vốn lớn. Khi nào hết dịch bệnh chúng tôi mới tính tới kế hoạch mở bán trở lại cho chắc ăn. Dự án không triển khai nhưng bộ máy vẫn phải nuôi, các chi phí mỗi tháng vẫn phải bỏ ra rất lớn”, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Tập đoàn Phú Đông, thở dài nói.

Mạnh dạn hơn, chủ đầu tư một dự án BĐS lớn tại khu vực phía tây TP.HCM cho biết đang mở bán khoảng 500 căn hộ, với số lượng huy động khoảng 24 sàn giao dịch BĐS tham gia. Từ hơn 1 tháng nay chi phí bỏ ra để marketing, chăm sóc khách hàng, xây dựng là rất lớn nhưng chỉ có được 4 khách hàng đặt cọc. “Đi qua nhiều cuộc khủng hoảng, gần nhất là cuộc khủng hoảng năm 2008 trong lĩnh vực BĐS kéo dài đến mấy năm tôi cứ tưởng là “tàn khốc” nhất nhưng đại dịch lần này mới thực sự làm tôi thấy ớn lạnh vì gây thiệt hại quá lớn”, vị này ngao ngán.

Bà Hà Diệu Linh, Tổng giám đốc Tập đoàn Asean Window với khoảng 20 công ty thành viên, chuyên hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, phân phối các ngành hàng về cửa, cho biết những khó khăn đã bắt đầu nhen nhóm từ cuối năm 2019, nhưng đến những tháng đầu năm 2020 các doanh nghiệp (DN) mới thật sự thấm đòn. Dù việc sản xuất, kinh doanh đình đốn nhưng do hàng đã đặt từ nước ngoài, đến thời gian nhập về theo hợp đồng vẫn phải nhập. Không nhập, nhà máy hủy hợp đồng và mất tiền cọc. Nhập về thì phải đóng thuế, phí đủ loại trong khi bán không ai mua. Chi phí mặt bằng, kho bãi, lãi vay ngân hàng, lương công nhân, bảo hiểm… bình quân 1 tháng đang phải gánh lỗ tiền tỉ. “Đến nay dù doanh thu giảm khoảng 80% nhưng toàn hệ thống chi phí mỗi tháng khoảng 8 tỉ đồng. Chúng tôi sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng (VLXD) trong ngành cửa hơn 10 năm nhưng chưa năm nào thấy kinh khủng như năm nay. Hiện mỗi tháng công ty phải bù lỗ khoảng 6 tỉ đồng”, bà Linh kêu trời.

Gồng mình trong “khó kép”

Lãnh đạo một công ty xây dựng có tiếng tại Việt Nam phải thốt lên, các DN trong lĩnh vực xây dựng đã “thấm” mệt từ năm 2019 khi chính quyền các địa phương siết chặt thủ tục cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng, xét duyệt dự án khiến hàng loạt dự án BĐS không thể triển khai. Đến nay khi dịch Covid-19 bùng phát, kế hoạch ra hàng cũng bị ảnh hưởng khiến DN xây dựng càng khốn khổ hơn. Theo vị này, hiện gần một nửa lượng công nhân của công ty thất nghiệp, doanh thu sụt giảm trầm trọng. Điều đáng nói, các khoản nợ từ những năm trước càng khó đòi hơn khi chủ đầu tư không bán được hàng, không có dòng tiền về để trả nợ.

Ông Đinh Hồng Kỳ, Phó chủ tịch Hội VLXD Việt Nam, cho biết hiện nay các DN trong hội bị tác động kép của 2 yếu tố, thứ nhất do thị trường BĐS sụt giảm, ở một số phân khúc có tình trạng đóng băng dẫn đến khó khăn cho chủ đầu tư các dự án. Chủ đầu tư khó, VLXD khó theo. Một số DN nhập khẩu nguyên liệu từ các nước, đặc biệt từ Trung Quốc bị ảnh hưởng nặng khi nguồn cung dừng đột ngột, dẫn đến thiếu nguyên vật liệu cho sản xuất, từ đó làm tăng giá sản phẩm. Công ty Secoin do ông Đinh Hồng Kỳ làm chủ tịch HĐQT là một trong những đơn vị xuất khẩu VLXD lớn đã bị sụt giảm 50% đơn hàng. Dự kiến những thị trường trọng yếu về xuất khẩu của Secoin như Mỹ, châu Âu, Úc… sẽ tiếp tục sụt giảm trong thời gian tới khi mọi hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh ở các nước này bị ngừng trệ vì dịch bệnh. Ảnh hưởng của ngành xây dựng và VLXD chậm hơn các ngành khác như khách sạn, nhà hàng, vận tải… nhưng chắc chắn cũng phục hồi chậm hơn. “Chúng tôi dự báo ngành xây dựng và VLXD sẽ bị ảnh hưởng nặng nề sau khoảng 1 – 2 tháng nữa. Nếu dịch bệnh đi qua thì ngành của chúng tôi cần từ 6 tháng, thậm chí 1 – 2 năm mới phục hồi”, ông Kỳ nhận định và cho biết thêm hiện các DN trong ngành đang tập trung chắt chiu từng đơn hàng, không tính đến lợi nhuận, miễn sao duy trì được việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên theo ông Kỳ, là những nhà làm kinh doanh, ông và các đối tác, đồng nghiệp gặp nhau ở quan điểm rằng luôn có cầu vồng trong cơn mưa. Dịch bệnh sẽ “ép” DN bộc lộ thực lực của mình. Những DN nào làm ăn theo kiểu chụp giật, dựa dẫm lợi ích nhóm, là sân sau của ai đó hay có nguồn sống từ các hoạt động không minh bạch, những ông chủ vay nợ vô tội vạ sẽ bị “lộ”. Đối với các DN không có tiềm lực thực chất, sống dựa vào nguồn nuôi từ vốn vay và đảo nợ trong điều kiện khắt khe cũng bị phơi bày và thui chột. Đây có thể là một cuộc sàng lọc lớn để khi “cơn bão” Covid-19 qua, những DN hoạt động thực chất, đem lại giá trị thật cho nền kinh tế sẽ trụ lại và mạnh mẽ hơn.

“Chúng tôi cũng nói với nhau, qua đại dịch, DN trụ lại sẽ có một đội ngũ nhân viên, đối tác và khách hàng trung thành, bởi ta đã cùng nhau gánh vác lúc khó khăn. Do vậy, dù có biết bao DN Việt khác đang vật lộn với khó khăn riêng nhưng không bi quan chán nản. Họ tin rằng nếu cùng nhau, chúng ta sẽ kéo cuộc sống trở lại bình thường, với sức bật mới”.
Ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Secoin