Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu phát triển bền vững (SDG) là Chiến lược phát triển lâu dài của Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cam kết tập trung mọi nguồn lực, huy động sự tham gia của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 và các SDG.
Một trong những mục tiêu phát triển bền vững rất quan trọng của Việt Nam là đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững. Về mặt chính sách, cho đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách có liên quan đến mục tiêu này, mà quan trọng nhất là Chiến lược Phát triển Bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đến năm 2020. Những chính sách này đặt cơ sở cho triển khai các hoạt động cụ thể.
Trước đó, Việt Nam đã ban hành Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và đưa ra những cơ sở quan trọng bước đầu. Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là văn bản tổng hợp nhất, trực tiếp đề cập tới nội dung của mục tiêu đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững, và đặt ra định hướng sản xuất và tiêu dùng bền vững cho Việt Nam đến năm 2030.
Theo Báo cáo “Rà soát quốc gia tự nguyện thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững của Việt Nam”, việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, góp phần thúc đẩy quá trình xanh hóa sản xuất và tiêu dùng bền vững, đặc biệt nhận thức của các bên liên quan (chính quyền, doanh nghiệp và người dân) về sự cần thiết phải tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, đã có những chuyển biến rõ rệt, góp phần thúc đẩy thực hiện mục tiêu đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Sau 10 năm triển khai tích cực các dự án thúc đẩy sản xuất sạch hơn trong các doanh nghiệp công nghiệp thông qua các chương trình của Chính phủ và với sự hỗ trợ của đối tác phát triển, hàng ngàn doanh nghiệp Việt Nam đã được tiếp cận với dự án sản xuất sạch hơn và sử dụng tài nguyên tiết kiệm, hiệu quả.
Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đã được triển khai rộng khắp ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, với sự tham gia của hơn 10.000 doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp như khai khoáng, sản xuất thép, công nghiệp thực phẩm và nước giải khát, công nghiệp hóa chất, xây dựng và các ngành công nghiệp chế biến khác. Nhiều mẫu hình sản xuất bền vững trong công nghiệp, thiết kế sản phẩm bền vững cũng đã bước đầu được thực hiện.
Trong giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ năng lượng tiết kiệm của Việt Nam đạt 5,6%, tương đương với tổng năng lượng tiết kiệm được gần 11,3 triệu tấn dầu quy đổi (TOE). Trong đó, cường độ năng lượng của các ngành sản xuất công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng đều giảm dần: ngành thép giảm 8,1%, xi-măng giảm 6,3%, dệt sợi giảm 7,3%.
Liên quan tới vấn đề quản lý chất thải và giảm thiểu chất thải công nghiệp từ quá trình sản xuất thông qua tái chế, tái sử dụng chất thải, Việt Nam đã có một số dự án nhằm tái sử dụng phế thải vật liệu, tro xỉ để sản xuất ra vật liệu xây dựng hay tái chế chất thải thành năng lượng.
Tuy nhiên, những dự án này vẫn chỉ mang tính thí điểm và còn riêng lẻ, chưa trở thành mô hình phổ biến ở Việt Nam. Công tác quản lý, xử lý chất thải rắn, nhất là xử lý chất thải công nghiệp thời gian qua chưa được áp dụng theo phương thức quản lý tổng hợp. Các doanh nghiệp trên thực tế vẫn chưa chú trọng các giải pháp giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải.
Chính vì vậy, cần có những nỗ lực lớn hơn nữa để các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ nhận thức được xu thế và tầm quan trọng của sản xuất và tiêu dùng bền vững mà còn chuyển nhận thức thành ý thức và hoạt động tự thân của chính mình. Có như vậy, Việt Nam mới có thể đạt được mục tiêu đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Thành Đạt – Baodautu.vn