Nhu cầu dầu của Trung Quốc giảm 20% vì virus corona

Nguồn tin của Bloomberg cho hay, nhu cầu dầu của Trung Quốc đã giảm khoảng ba triệu thùng mỗi ngày, tương đương 20% ​​tổng lượng tiêu thụ.

Mức giảm 20% được tính toán trên cơ sở nhu cầu tiêu thụ thông thường vào thời gian này của Trung Quốc hàng năm. Sự sụt giảm có lẽ là cú sốc nhu cầu lớn nhất mà thị trường dầu mỏ phải chịu, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 2009, và từ sau vụ tấn công ngày 11/9. Nó có thể buộc OPEC và các đồng minh họp khẩn cấp để cắt giảm sản lượng và khắc phục đà giảm giá, vốn đang hướng tới mức thấp nhất 4 tháng.

“Đây thực sự là cú sốc lớn bất ngờ cho thị trường dầu mỏ”, John Kilduff, Đối tác của Again Capital LLC tại New York, bình luận. “Có một số hy vọng cho triển vọng nhu cầu trong năm nay trước khi dịch bệnh bùng phát, nhưng điều đó đã tiêu tan. OPEC + phải phản ứng. Nếu không tiếp tục cắt giảm sản lượng, sẽ chỉ tổn thất thêm về giá”, vị chuyên gia nói thêm.

Diễn biến giá dầu Brent năm qua. Ảnh: Bloomberg

Giá dầu thô hợp đồng tương lai giảm xuống mức thấp nhất một năm vào thứ hai, khi các thương nhân phản ứng với mức độ nghiêm trọng của dịch viêm phổi Vũ Hán. Giá dầu Brent giảm 0,9%, xuống 56,07 USD mỗi thùng vào lúc 8:32 sáng tại London. Dầu WTI giảm hơn 0,2%, chỉ còn 51,46 USD mỗi thùng.

Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, sau khi vượt qua Mỹ vào năm 2016. Do đó, bất kỳ thay đổi nào trong tiêu thụ đều có tác động lớn đến thị trường năng lượng toàn cầu. Đất nước này tiêu thụ khoảng 14 triệu thùng mỗi ngày, tương đương tổng nhu cầu của Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha, Anh, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại.

Bắc Kinh đã cách ly hàng trăm triệu người và kéo dài Tết Nguyên đán để cố gắng ngăn chặn nCoV lây lan. Nhiều nước cũng đình chỉ các chuyến bay kết nối với Trung Quốc. Theo thông lệ, trong Tết Nguyên đán, nhu cầu xăng dầu và nhiên liệu máy bay tại nước này tăng do hàng trăm triệu người trở về nhà. Tuy nhiên, mức tiêu thụ năm nay lại giảm.

Nhu cầu nhập khẩu dầu hàng ngày của Trung Quốc (màu đen) và Mỹ (màu xanh) qua các năm. Đồ họa: Bloomberg

Nhu cầu dầu giảm khiến nhiều nước xuất khẩu trên thế giới bị ảnh hưởng, với doanh số giảm và giá rơi tự do. Doanh số bán dầu của Mỹ Latinh cho Trung Quốc đã chững lại vào tuần trước, trong khi doanh số bán dầu thô Tây Phi cho các nhà máy lọc dầu Trung Quốc, cũng chậm hơn bình thường.

Tồn kho xăng và nhiên liệu máy bay của các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đang tăng lên mỗi ngày. Một số nhà máy có thể sớm đạt đến giới hạn lưu trữ. Khi ấy, họ sẽ phải cắt giảm công suất lọc dầu khoảng 15-20%.

Sinopec Group, nhà máy lọc dầu lớn nhất Trung Quốc, đang trong quá trình giảm trung bình khoảng 13-15% lượng dầu thô lọc mỗi ngày và sẽ xem xét liệu có cần cắt giảm thêm vào ngày 9/2 hay không. Trung Quốc có đến 40 nhà máy lọc dầu độc lập. Theo dự đoán của giới thương nhân, khoảng 18 nhà máy có thể cắt giảm sản xuất hoặc đóng cửa hoàn toàn.

OPEC và các đồng minh, bao gồm Nga, đang cân nhắc các lựa chọn để đối phó với cuộc khủng hoảng cũng như bàn bạc cuộc họp khẩn cấp. Saudi Arabia đang thúc giục tập hợp sớm hơn dù Nga chưa đồng ý. Trước mắt, OPEC triệu tập một cuộc họp kỹ thuật trong tuần này để đánh giá tình hình và Ủy ban Kỹ thuật chung sẽ báo cáo lại cho các bộ trưởng.

Phiên An (theo Bloomberg