COATINGS EXPO 2024 – NGÀNH SƠN VÀ MỰC IN KHỞI SẮC KHỞI SẮC TRỞ LẠI

         Ngành sơn Việt Nam dù còn gặp thách thức nhưng nhiều doanh nghiệp cho biết đã có dấu hiệu khởi sắc nhờ các biện pháp gỡ khó cho ngành bất động sản bắt đầu có hiệu lực.

Hội nghị và tọa đàm “Ngành sơn Việt Nam: Hội nhập và Phát triển bền vững” trong khuôn khổ Triển lãm và Hội thảo quốc tế chuyên ngành sơn phủ, giấy, cao su và nhựa tại Việt Nam vừa được tổ chức.

        Theo ông Vương Bắc Đẩu – Phó Chủ tịch Hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam, năm 2023, ngành sơn và mực in đối mặt với nhiều khó khăn và thử thách. Trong đó, sơn trang trí ước giảm 23% về sản lượng so với năm 2022.

Trong tốp 6 nhà sản xuất về sơn, chỉ có một doanh nghiệp tăng trưởng dương, còn lại đều ở mức tăng trưởng âm với chỉ số khác biệt nhau rõ rệt. Các doanh nghiệp ở phía Bắc ghi nhận mức tăng trưởng âm 25 – 30%. Trong khi đó, doanh nghiệp phía Nam có mức giảm sâu hơn trên 30%, thậm chí có doanh nghiệp giảm đến 50%.

Lý giải điều này, ông Vương Bắc Đẩu – cho rằng nguyên nhân xuất phát từ các dự án vướng pháp lý chiếm 70% khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận vốn và lãi suất cao duy trì hơn nửa đầu năm tạo thêm gánh nặng về tài chính cho cả chủ đầu tư và người mua nhà. Đặc biệt ở nhà ở dân dụng, tâm lý dè dặt bao trùm khiến nhu cầu xây mới, sửa chữa nhà trong dân giảm sút rõ rệt.

Bước sang năm 2024, với ngành sơn, yếu tố xuất khẩu giúp ngành sơn gỗ có mức tăng trưởng rõ rệt nhất, tiếp đến là ngành sơn cuộn. Sơn công nghiệp đa ứng dụng có mức tăng trưởng khá do sự tập trung của Chính phủ vào các công trình trọng điểm và khả năng tái đầu tư, mở rộng. Tuy nhiên, sơn trang trí vẫn ở mức tăng trưởng thấp.

thiet bi nganh son

Khách hàng tìm hiểu các thiết bị về ngành sơn. 

           Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Hải – Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Hiển Long – cho biết trong 2 năm vừa qua, việc cung cấp thiết bị cho ngành sơn cũng bị ảnh hưởng vì các doanh nghiệp ngành sơn không nhập nhiều thiết bị. 6 tháng đầu năm 2024, doanh nghiệp ghi nhận có sự khởi sắc hơn khi các đơn hàng có trở lại, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự đoán từ nay đến cuối năm sẽ phát triển tốt.

Còn đối với ngành mực in, năm 2023 là năm thứ ba liên tiếp ngành mực in Việt Nam có tăng trưởng âm so với năm trước đó. Hai mảng mực in quan trọng nhất đều giảm sản lượng, trong đó mực in hệ nước giảm mạnh nhất (-16,6%), mực ghép màng nước giảm gần (-6%) so với năm 2022.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân xuất phát từ tình hình kinh tế khó khăn, việc làm và thu nhập chưa ổn định khiến phần lớn người lao động vẫn thắt chặt chi tiêu. Bên cạnh đó, một số ngành hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam như da dày, may mặc, điện tử,… đều giảm đáng kể. Ngoài ra, chính sách kiểm soát độ cồn cũng làm ngành này bị ảnh hưởng.

Năm 2024, sự phục hồi xuất khẩu và khả năng tiêu dùng của ngành mực in chưa thật sự rõ ràng nên ngành mực in có khả năng tăng trưởng trung bình.

Tác giả: Võ Liên – Nguồn sohuutritue.net.vn