“CHÚNG TÔI RẤT MONG CHỜ LUẬT ĐI VÀO CUỘC SỐNG”

Ngay khi biết tin Quốc hội thông qua Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Phó Tổng thư ký Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam NGUYỄN TIẾN THẮNG (Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp Hội Sơn – Mực In Việt Nam) chia sẻ: “Chúng tôi từng rất hồi hộp xen lẫn lo lắng, nhưng bây giờ thật sự vui mừng vì luật được thông qua. Điều chúng tôi rất mong chờ sớm đưa luật vào cuộc sống”. 

Đáp ứng phần lớn kỳ vọng của doanh nghiệp

– Sau 3,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, khoa học, Kỳ họp bất thường lần thứ Năm, Quốc hội Khóa XV đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra; trong đó, đã thông qua Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Các doanh nghiệp đón nhận thông tin này như thế nào, thưa ông?

– Trước hết, chúng tôi thực sự rất vui mừng khi Quốc hội – với tinh thần làm việc cao độ, khẩn trương, nghiêm túc, trách nhiệm, thảo luận sôi nổi và dân chủ, đã thông qua hai dự án luật rất quan trọng, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi) với tỷ lệ đồng thuận rất cao. Khi hai luật này được triển khai, chắc chắn sẽ tác động tích cực tới nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản, thị trường xây dựng nói riêng; giúp doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận vốn, đặc biệt là vốn giá rẻ.

– Cơ sở nào để ông có niềm tin đó?

– Trước hết, nói về Luật Đất đai (sửa đổi) – một dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt tới chính trị, kinh tế, an ninh quốc phòng. Luật đã đáp ứng được phần lớn kỳ vọng của doanh nghiệp.

Cụ thể, Luật sửa đổi lần này có nhiều điểm mới, được cộng đồng doanh nghiệp rất hoan nghênh, như thuê đất trả tiền một lần có thể chuyển sang trả tiền hàng năm. Điều này đã tạo sự linh động trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận quỹ đất sản xuất với chi phí thấp.

Cộng đồng doanh nghiệp cũng rất quan tâm tới các quy định của Luật Đất đai liên quan đến đất phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, ví dụ như đất khu công nghiệp, đất phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, và cơ hội tiếp cận quỹ đất giá rẻ. Có hai điểm mà các doanh nghiệp đánh giá cao.

Thứ nhất, doanh nghiệp được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa. Giá đất trồng lúa có thể tăng lên nhưng sự an toàn trong đầu tư của doanh nghiệp cũng vì thế mà được bảo đảm ở mức cao hơn, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư lớn và lâu dài.

Thứ hai, doanh nghiệp được bán tài sản trên đất và bán quyền thuê đất cho doanh nghiệp khác. Đây là giải pháp cứu cánh cho các dự án đang thua lỗ của doanh nghiệp và tạo quỹ đất mới cho các doanh nghiệp mới vào khai thác được minh bạch, đúng pháp luật, đơn giản hóa các khâu, các bước trong chuyển nhượng mua bán sáp nhập doanh nghiệp có quỹ đất và tài sản trên đất.

Việc bỏ khung giá đất cũng đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp bất động sản dễ dàng giải phóng mặt bằng theo cơ chế thị trường. Doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn sẽ được hưởng lợi ngay lập tức. Tuy nhiên, trong tương lai, chi phí giải phóng mặt bằng chắc chắn sẽ tăng lên do giá đất được xác định sẽ tăng mạnh.

Đối với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), đây thực sự như một liều thuốc lấy lại niềm tin với các khách hàng gửi tiền và cả doanh nghiệp đi vay tiền. Năm qua, thiệt hại từ việc thiếu minh bạch trong sở hữu chéo, sở hữu liên quan đã khiến khách hàng, nhà đầu tư cho các tổ chức tín dụng chịu mất mát về tài sản cũng như niềm tin. Các doanh nghiệp thì khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn giá rẻ theo định hướng của Chính phủ cũng như Ngân hàng Nhà nước, bởi vì các doanh nghiệp sân sau, sở hữu chéo đã ăn chặn hết nguồn vốn giá rẻ này. Cộng đồng các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa rất mong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) sớm có tác động tới mặt bằng lãi suất, sớm đưa doanh nghiệp thoát khỏi khó khăn trong việc tiếp cận vốn, đặc biệt là vốn giá rẻ.

Ông Nguyễn Tiến Thắng

“Với việc thông qua hai luật quan trọng, đặc biệt là Luật Đất đai (sửa đổi) ngay trong những ngày đầu tiên của năm mới 2024 đã cho thấy Quốc hội thực sự phát huy tinh thần “lập pháp chủ động, giám sát hiệu quả, quyết sách kịp thời, bứt phá phát triển”, như phát biểu bế mạc Kỳ họp của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Chúng tôi cũng rất mong tinh thần này sẽ được Quốc hội tiếp tục thể hiện xuyên suốt trong năm nay cũng như các năm tới.

Theo đó, Quốc hội cần tiếp tục nghiên cứu cải cách, loại bỏ các chính sách, thủ tục hành chính cũ gây cản trở doanh nghiệp phát triển, từ đó tối ưu nguồn lực của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân, coi kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước”.

Ông Nguyễn Tiến Thắng, Phó Tổng thư ký Hội Doanh nhân tư nhân Việt Nam

Đặt lợi ích người dân, doanh nghiệp lên hàng đầu

– Trong phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đề nghị Chính phủ tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, thống nhất, đa mục tiêu và kết nối liên thông; loại bỏ khâu trung gian… Ông nghĩ sao về yêu cầu này?

– Yêu cầu này của Chủ tịch Quốc hội rất sát thực tế và bao trùm các mục tiêu về phát triển kinh tế, ổn định chính trị; tạo môi trường sống, đầu tư thông thoáng cho Nhân dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp. Thực tế thời gian qua cho thấy, với các dự án bất động sản, vướng mắc pháp lý lên tới 70% trong tổng số các khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải. Còn đối với nhiều doanh nghiệp sản xuất, để hoàn tất thủ tục về đất đai, có mặt bằng triển khai hoạt động, doanh nghiệp phải mất tới hàng năm trời, thậm chí 5 – 7 năm cũng chưa xong.

Từ thực tế đó, việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về đất đai, hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu số và hệ thống thông tin quốc gia về đất đai tập trung, loại bỏ khâu trung gian… chắc chắn sẽ tháo gỡ vướng mắc mà các doanh nghiệp hiện nay đang gặp phải, đặc biệt liên quan đến tiếp cận đất đai, đấu giá, đấu thầu, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tiếp cận đất đai theo hướng công khai và minh bạch hơn. Chúng tôi mong Chính phủ sớm quán triệt yêu cầu này của Chủ tịch Quốc hội, ưu tiên dành các nguồn lực để triển khai Luật Đất đai (sửa đổi) nhanh chóng đi vào đời sống.

Vì Luật Đất đai (sửa đổi) có nhiều điểm mới, trong đó có những nội dung khó và phức tạp nên trong quá trình triển khai không thể tránh khỏi các thiếu sót, đòi hỏi cần tiếp tục hoàn thiện, chỉnh lý. Bởi thế, chúng tôi rất mong các cơ quan quản lý nhà nước cần linh động, mềm dẻo, không cứng nhắc, không quan liêu máy móc, với tinh thần cao nhất là đặt lợi ích người dân, doanh nghiệp lên hàng đầu, tạo điều kiện tối đa cho người dân và doanh nghiệp ổn định đời sống, phát triển kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh vô cùng khó khăn như hiện nay.

 Xin cảm ơn ông!

Nguồn: https://daibieunhandan.vn, bài viết: Đan Thanh.