Doanh nghiệp hóa chất cần huấn luyện chuyên sâu.

(DĐDN)- DĐDN nhận được kiến nghị của Hiệp hội các DN KCN TP HCM cho rằng Thông tư 27/2013/TT – BLĐTBXH (Thông tư 27) trùng lắp với Thông tư 36/2014/TT – BCT (Thông tư 36) trong việc đào tạo nhân lực cho vấn đề an toàn lao động của các DN hóa chất. Nhưng thực tế không hẳn như vậy…


Công nhân đang vận hành dây chuyền tại Công ty cổ phần hóa chất Việt Trì. Ảnh: Internet.

Trong công văn gửi các cơ quan chức năng về việc quy định trùng lặp trong huấn luyện an toàn hoá chất mà Hiệp hội các KCN TP HCM gửi, đơn vị này cho biết, hiện các DN hoạt động tại các KCN chế xuất và công nghiệp tại TP HCM phải thực hiện cho người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, VSLĐ theo danh mục quy định trong đó có “sản xuất, sử dụng, bảo quản và vận chuyển hoá chất nguy hiểm, độc hại…”.

Theo Thông tư 27/2013/TT – BLĐTBXH của Bộ LĐTBXH quy định về ông tác huấn luyện ATLĐ, VSLĐ. Đồng thời, DN phải cho người lao động tham gia huấn luyện kỹ thuật an toàn hoá chất và cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn về hoá chất theo Thông tư số 36/2014/TT – BCT của Bộ Công Thương quy định về huấn luyện kỹ thuật an toàn hoá chất và cấp giấy chứng nhận huấn luyện kỹ thuật an toàn hoá chất.

Hiện nhiều DN đã thực hiện huấn luyện an toàn vệ sinh lao động nhưng ở một số địa phương, các sở Công Thương không chấp nhận, mà bắt buộc DN phải huấn luyện lại.

Tuy nhiên, khi trao đổi với DĐDN, ông Đặng Mạnh Cường – Giảng Viên Trường CĐ Điện lực TP HCM, đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương cho rằng, cả hai thông tư trên đều có vai trò và mục đích riêng.

Ông Cường giải thích, Thông tư 27 quy định về điều kiện của tổ chức hoạt động dịch vụ huấn luyện; xây dựng chương trình khung huấn luyện; danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATLĐ, vệ sinh lao động… Đây là kiến thức cần thiết cho tất cả các người lao động, DN. Còn Thông tư 36 là thông tư mang tính chuyên ngành, chỉ dành riêng cho người lao động gián tiếp hoặc trực tiếp tiếp xúc với hoá chất.

“Ngay cả đối với các DN chuyên sản xuất và sử dụng hoá chất thường xuyên thì cũng chỉ có khoảng 30% lao động là tiếp xúc trực tiếp với hoá chất và phải huấn luyện thông tư 36, còn lại 70% người lao động chỉ cần huấn luyện thông tư 27 là đủ”, ông Cường khẳng định.

Ông Cường cũng khuyên các DN hóa chất nên tổ chức huấn luyện từ 3-4 ngày cho cả hai thông tư trên. Trong 3 ngày đầu là kiến thức ATLĐ “nền” theo Thông tư 27, ngày cuối cùng thì chỉ cần những người trực tiếp hay gián tiếp tiếp xúc với hoá chất mới cần đào tạo kỹ theo Thông tư 36.

Các DN cũng có thể trao đổi kỹ với bộ phận huấn luyện để thống nhất giáo trình phù hợp với thực tiễn của lĩnh vực hoá chất DN đang sử dụng. Điều này giúp chất lượng huấn luyện tốt và giảm được chi phí, thời gian cho DN.

Nguồn: Báo Diễn đàn Doanh nghiệp